Sau 5 năm chung sống, vợ chồng chị M ở phường 9 (TP Tuy Hòa) mới sinh được cu Bin. Khỏi phải nói cũng biết vợ chồng chị M và hai bên gia đình nội ngoại vui như thế nào. Tất cả tình thương của mọi người trong gia đình đều đổ dồn vào cu Bin. Bởi vậy, từ nhỏ đến lớn, cu Bin thích gì được nấy, không thiếu thốn thứ gì.
Do được ba mẹ, ông bà cưng chiều quá mức, nên thằng bé càng lúc càng trở nên bướng bỉnh, thích gì làm nấy, bắt mọi người trong nhà phải chiều theo ý mình, không biết quan tâm đến cảm xúc của người khác. Có hôm đang lúc ăn cơm, cu cậu không chịu ăn, mà nằng nặc bắt mẹ chở đi siêu thị mua đồ chơi siêu nhân.
Chị M bảo hôm khác sẽ mua, hôm nay không được vì mẹ mới đi làm về mệt không thể đi mua đồ chơi lúc này, nhưng cu Bin nhất quyết không chịu nghe lời mẹ nói, mà nằm lăn ra giữa nhà khóc thét lên. Giận con quá, chị M đánh vào mông thằng bé mấy cái thì thằng bé khóc to hơn.
Nghe tiếng cháu cưng khóc, ông bà nội chạy sang, chưa hiểu chuyện gì xảy ra, vừa xuýt xoa thằng cháu cưng vừa khó chịu, bực bội con dâu: “Trời ơi! mới tí tuổi đầu mà cháu tôi đã bị mẹ đánh. Cô là mẹ mà sao không biết thương con. Có được thằng con như vậy mà còn đánh đập”. Được ông bà lên tiếng bênh vực, cu Bin càng khóc to hơn và đòi ông bà chở đi siêu thị bằng được. Vậy là ông bà đáp ứng ngay lập tức.
Thực tế hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nên phần lớn cha mẹ có xu hướng chăm lo, yêu thương, chiều chuộng bao bọc con cái quá mức. Nhiều phụ huynh cứ tưởng điều ấy mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con mình, nhưng lâu dần khiến trẻ hình thành lối sống ích kỷ.
Ý nghĩ cho rằng bản thân là trung tâm, “cái rốn của vũ trụ”, mọi người phải có trách nhiệm phục vụ mình, khiến trẻ không biết ơn về những gì mà cha mẹ, người thân mang lại cho mình hôm nay. Trẻ sẽ ít quan tâm tới sự lo lắng của người thân, ít biết chia sẻ, đỡ đần chăm lo cho cha mẹ. Nếu một đứa trẻ muốn gì được nấy, chính cảm giác bản thân được thỏa mãn mọi thứ một cách dễ dàng, nhanh chóng dễ khiến trẻ không biết quý trọng những gì mà cha mẹ mang lại cho bản thân.
Bởi vậy, ngoài những nhu cầu cơ bản thiết yếu trong cuộc sống, cha mẹ không nên đáp ứng hết mọi yêu cầu của con trẻ, mà hãy để chúng hiểu rằng mọi thứ trên đời này không phải tự nhiên có được mà cần phải nỗ lực cố gắng, phấn đấu mới đạt được thứ mình muốn. Để con trẻ có được cách nghĩ như vậy, đòi hỏi cha mẹ phải nỗ lực dạy con về lòng biết ơn bằng chính cuộc đời mình.
Chị La Mo Thị Uối ở thôn Suối Cối 2 (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) đã dạy hai con của mình như thế. Chị Uối sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, từ nhỏ bản thân chị đã sớm quen với những vất vả, nhọc nhằn. Lớn lên, lập gia đình, nhưng cuộc sống khó khăn vẫn luôn bao quanh chị. Từ nỗi trăn trở làm sao để các con được ăn học nên người, vợ chồng chị đã phải vất vả trồng sắn, mía, nuôi bò, ngược xuôi đi làm thuê khắp nơi để nuôi các con ăn học.
Thấu hiểu và biết ơn những vất vả, tảo tần của cha mẹ, các con chị đều nỗ lực học tập trong hoàn cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn để cha mẹ vui lòng. Chị mừng vì ngoài việc học tốt, các con còn biết chia sẻ đỡ đần việc nhà, hiếu thảo với cha mẹ. Đồng thời biết quan tâm, giúp đỡ những người kém may mắn trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp ở thôn Quảng Mỹ (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) cũng chọn phương pháp không bao giờ làm thay con tất cả mọi việc. Bởi chị biết, điều này khiến con cái sẽ dần dần ỷ lại vào cha mẹ, không độc lập, trẻ sẽ không hiểu được giá trị công sức lao động cũng như sự hy sinh cha mẹ dành cho mình.
Chị còn luôn nói cho con biết về những nỗ lực của mọi người trong xã hội để có được cuộc sống hạnh phúc và ấm êm từ những nỗ lực, góp sức của bao người xung quanh, từ hạt gạo của những người nông dân làm ra trên những cánh đồng một nắng hai sương, đến những con đường rợp bóng mát cây xanh… đều là sự nỗ lực góp sức của bao người.
Chị Điệp nói rằng: “Cha mẹ là người ảnh hưởng đầu tiên và sâu sắc nhất đến con trẻ. Bởi vậy, hàng ngày tôi dạy con về lòng biết ơn. Tôi nói lời cảm ơn với con cái mình về những gì mà con giúp cha mẹ hàng ngày. Những điều đó tuy nhỏ nhặt nhưng lại giúp con trẻ dần dần hình thành cách biết ơn khi ai đó giúp đỡ mình, cũng như những gì tốt đẹp mà bản thân con đang được thụ hưởng mỗi ngày.
Theo các nhà tâm lý học, dù còn nhỏ nhưng con trẻ có thể hiểu, cảm nhận được những khó khăn trong công việc, cuộc sống của cha mẹ. Bởi vậy, tùy vào từng độ tuổi của trẻ, cha mẹ có thể tâm sự những khó khăn, vất vả của gia đình với con, giúp con hiểu rằng để có cuộc sống như hiện tại, cha mẹ đã mưu sinh, kiếm tiền vất vả ra sao. Qua đó giúp con trẻ biết yêu thương, biết ơn và quý trọng những gì được tạo nên bằng chính mồ hôi, công sức của cha mẹ mình.
Tác giả bài viết: KHÁNH NGÂN
Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn