Khi tôi bước vào căn nhà cấp 4 thấp nhỏ nằm khiêm nhường trong khu phố Nguyễn Thái Học, bà Hạnh như ngồi ở đấy từ rất lâu rồi. Bà bảo, thời gian này bà và các con đang làm giấy tờ xin miễn giảm học phí theo diện hộ nghèo nhưng vẫn chưa xong vì vướng quá nhiều thủ tục. Tôi đọc trong ánh mắt bà Hạnh những nỗi âu lo. Bà nói, thời buổi này, để kiếm được đồng tiền lo cho các con ăn học không hề dễ dàng, mà bà lại chỉ có một thân một mình, nghề nghiệp không có, ruộng vườn, vốn liếng cũng không.
Trước khi đến nhà bà Hạnh, chị Nguyễn Thị Hồng Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 5, nói rằng: “Gia cảnh cô Hạnh rất khó khăn nhưng lại nuôi ba đứa con học đại học. Trên địa bàn phường, không phải ai cũng lo lắng cho tương lai con cái mình được như cô Hạnh”. Với bà Hạnh, lo lắng cho con chẳng phải là điều gì to tát. Bởi làm một người mẹ thì phải có trách nhiệm, phải thương yêu, lo lắng, hy sinh cho con cái mình. Cuộc đời bà vì không được học hành đến nơi đến chốn mà phải chịu khổ cực mọi bề. Bởi thế mà bây giờ bà quyết tâm lo cho con học cái chữ để cuộc đời chúng không quá vất vả như mình.
Cô con gái đầu của bà Hạnh là Phan Thị Thanh Nhàn, đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch TP Hồ Chí Minh và đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Còn cậu con trai thứ hai Phan Thanh Hoài Bảo là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Cậu con trai út Phan Quốc Trần Kha là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP Hồ Chí Minh. Để lo chi phí cho con học tập, ngày trước bà Hạnh đi xin nước cơm về nuôi heo. Sau một thời gian thấy nuôi heo thu nhập không cao, bà Hạnh đã đi vay người cháu ruột của mình 50 triệu đồng để xây thêm phòng cho thuê ngay trong nhà mình. Mỗi tháng trừ các khoản tiền điện, nước, bà tích góp được 1,5 triệu đồng từ tiền cho thuê phòng để gửi vào cho Bảo và Kha lo chuyện ăn ở, học hành. Bà Hạnh thổ lộ: “Ở đất Sài Gòn, giá cả đắt đỏ, vậy mà mỗi tháng, tôi chỉ gởi cho thằng Bảo được một triệu đồng, còn thằng Kha chỉ có mấy trăm ngàn”. Tôi còn biết thêm, gần hai năm nay, bà Hạnh vay 10 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo thông qua kênh phụ nữ và vay nóng 4 triệu đồng ở bên ngoài để có thêm tiền lo chi phí hàng ngày.
Thương mẹ và hiểu được những khó khăn của gia đình, cả Bảo và Kha đều hết sức tằn tiện, tranh thủ tìm việc làm thêm để tiếp tục được ngồi trên giảng đường. Hiện giờ, Kha một buổi đi học, một buổi phụ việc ở các quán cà phê gần nơi Kha trọ học. Còn bữa ăn hàng ngày, Kha tìm đến các chùa để xin cơm từ thiện. Cuộc sống vất cả nhưng ý chí vượt qua khó khăn chưa bao giờ tắt trong cậu sinh viên này. Bằng chứng là những giấy khen mà Kha mang về tặng mẹ trong suốt quá trình học tập. Những năm học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Kha luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và là học sinh giỏi cấp quốc gia môn địa lý. Nói về cậu con trai út, ánh mắt bà Hạnh lấp lánh niềm vui: “Thằng Kha ham học lắm, học kỳ vừa rồi nó cũng đạt danh hiệu sinh viên giỏi, được trường tặng giấy khen”. Tôi còn được biết thêm, không chỉ có cậu con trai út mà hai người con lớn của bà cũng ngoan và đạt nhiều thành tích trong học tập. Những tờ giấy khen của các con sau mỗi năm học làm rạng rỡ thêm nụ cười trên gương mặt hằn những nếp nhăn của bà Hạnh.
Ba người con của bà Hạnh luôn thấu hiểu nỗi buồn đeo đẳng trong cuộc đời bà. Đó là những năm tháng đầy nước mắt khi bà sống với người chồng phụ bạc, vô trách nhiệm với gia đình, con cái. Người đàn ông ấy giờ đã bước ra khỏi cuộc sống của mẹ con bà và đi theo người phụ nữ khác. Càng thương yêu mẹ, các con bà càng quyết tâm học. Học cho tương lai của mình và cho ước mơ, khát khao của mẹ. Chia tay tôi, bà Hạnh nói: “Bây giờ, điều trăn trở nhất của tôi là làm sao có thêm tiền để lo cho con cái ăn học nên người. Đây chính là ước nguyện và cũng là niềm hạnh phúc của cuộc đời tôi”.
Tác giả bài viết: THỦY VĂN
Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn