Nơi chia sẻ và tổ chức triển khai các hoạt động công tác xã hội
cho các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng.

Tình thương trẻ con của bác Bảo dân số

Thứ tư - 23/02/2011 09:24
Với thâm niên làm chuyên trách dân số từ năm 1993, chị Nguyễn Thị Bảo đã trở thành người bạn tâm tình của hầu hết các chị em trong xã và là “bác Bảo” hết mực yêu thương của những trẻ em nghèo ở xã Tân Kỳ - huyện Kỳ Anh - tỉnh Hà Tĩnh.

Dù đã làm trong ngành dân số 15 năm nhưng chị Bảo vẫn không thể quên những ngày tháng đầu tiên mới vào nghề. Chị kể: “Hôm đầu tiên nhận công tác, tôi vui lắm và đã nghĩ ra bao nhiêu việc phải làm. Sáng hôm sau tôi dậy rất sớm làm xong hết việc nhà và đạp xe đến thôn có nhiều gia đình đông con nhất xã để vận động. Đầu tiên, tôi tìm đến ba nhà đông con nhất, nhưng chuyến đi đầu tiên không có kết quả. Cả ba gia đình đều phản đối tôi rất quyết liệt, nói tôi là kẻ rỗi hơi xía vào chuyện nhà họ. Sau này tôi rút kinh nghiệm. Lần đầu tiên đến nhà chỉ để hỏi chuyện tào lao, bắt quen rồi thăm dò ý chủ nhà, sau đó mới rỉ rả tâm sự về chuyện kế hoạch”.

Làm công tác dân số nhưng điều chị quan tâm nhất vẫn là những đứa trẻ phải sống thiếu thốn trong xã. Chị không chỉ khuyên các cặp vợ chồng dừng lại ở hai con để nuôi dạy thật tốt, khuyên các bậc phụ huynh thực hiện các biện pháp tránh thai, mà chị còn quan tâm đến chuyện học của những đứa trẻ tàn tật, trẻ mồ côi, những trẻ em thuộc diện hộ nghèo. Với số tiền phụ cấp ít ỏi, hàng tháng chị vẫn trích lại một phần mua những món quà nhỏ như sách vở, truyện tranh, giấy, bút tặng cho những trẻ em nghèo nhân Tết Thiếu nhi Quốc tế 1/6 hay nhân dịp khai giảng năm học mới. “Xã tôi còn nghèo nên chuyện các cháu bỏ học giữa chừng vì không có tiền mua sách vở vẫn xảy ra. Vì vậy, tìm nguồn kinh tế để giúp đỡ động viên các cháu là rất cần thiết. Nếu trong xã, huyện có chương trình hành động gì liên quan đến trẻ em là tôi tận dụng triệt để để tìm nguồn kinh tế giúp đỡ các cháu” - chị chia sẻ.

Kỷ niệm mà chị nhớ nhất là năm 2005 em Hoàng Mỹ Na, mồ côi cả cha mẹ phải ở với bà nội định bỏ học vì bà không lo nổi tiền cho em đóng học. Chị đã động viên cháu Na cố gắng học và giúp cháu bằng những món quà nhỏ, lúc thì quyển vở khi thì cây bút. Và đến tháng 6/2005, nhân Tháng Hành động Vì trẻ em có chương trình: “Hãy lắng nghe trẻ em nói” chị đã làm tặng bé Na bài thơ “Nỗi niềm của cháu”, nói về hoàn cảnh và nỗi niềm của Na để đọc trong buổi lễ phát động. Nhiều người đã khóc khi nghe bài thơ. Sau đó, cháu Na nhận được món quà mà cháu mơ ước, đó là một chiếc xe đạp mini của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tặng và một bà người Canada đến tham dự buổi lễ nhận làm con nuôi, tài trợ cho Na tiền ăn học. Đến bây giờ Na đã học lên Trung học phổ thông và học rất giỏi. Chị Bảo tự hào: “Bé Na gọi tôi bằng “bác” xưng “con” nghe rất dễ thương. Khi có chuyện buồn hay vui đều tâm sự với tôi”.

Không chỉ mình cháu Na mà rất nhiều cháu bé tàn tật và có hoàn cảnh khó khăn trong xã đã nhận được sự trợ cấp từ xã hội nhờ sự tác động của chị Bảo. Rất nhiều cặp vợ chồng trẻ, nhờ sự tư vấn của chị Bảo, đã chấp nhận áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để sinh ít con để có điều kiện làm kinh tế. Cuộc sống ở xã Tân Kỳ đã khởi sắc hơn nhờ công sức không nhỏ của những cộng tác viên dân số tận tụy với nghề như chị Nguyễn Thị Bảo.

Tác giả bài viết: Mai Hạnh

Nguồn tin: giadinh.net.vn

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI PHÚ YÊN
TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI
Số 54 Nguyễn Thái Học - Phường 5 - TP.Tuy Hòa - Phú Yên 
Điện thoại: 0257. 389 0000 - Email: ttcongtacxahoipy@gmail.com 
Giấy phép cấp số: 86/GP-TTĐT Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2011

Copyrights © 2010 - 2018 Vì Trẻ Thơ Phú Yên. Design by Thiết kế web tại Phú Yên Powered by PYS Việt Nam
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây