Đối với đối tượng trợ giúp xã hội thường xuyên không thuộc diện quy định nêu trên tiếp tục hưởng mức và hệ số trợ cấp xã hội hàng tháng theo các quy định trước khi ban hành Nghị định 136/2013/NĐ-CP và không phải làm lại hồ sơ.
Ngoài được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định, đối tượng là con của người đơn thân nghèo theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ kinh phí mai táng khi chết với mức: 3 triệu đồng/người. Đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội; đối tượng nhiễm HIV/AIDS đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB-XH: mức chuẩn để xác định mức trợ cấp xã hội hàng tháng là 270.000 đồng (hệ số 1) nhân với hệ số tương ứng theo Điều 26 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2015.
Ngoài được hưởng mức và hệ số trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định, các đối tượng bảo trợ xã hội còn được trợ cấp để mua sắm vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, thuốc chữa bệnh thông thường, với mức 500.000 đồng/người/năm; đối với người nhiễm HIV/AIDS đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội còn được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội, với mức 250.000 đồng/người/năm; trợ cấp vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, với mức 20.000 đồng/người/tháng; khi chết được hỗ trợ kinh phí mai táng cho đơn vị tổ chức mai táng, với mức 5 triệu đồng/người.
Đối tượng được trợ giúp đột xuất (01 lần) là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy do thiên tai hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở; hộ gia đình có người chết, mất tích, bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc lý do bất khả kháng khác thì được xem xét hỗ trợ như sau: Đối với hộ gia đình có người bị chết, mất tích được hỗ trợ 5 triệu đồng/người; có người bị thương nặng 2 triệu đồng/người; có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng với mức thiệt hại từ 70% trở lên là 12 triệu đồng/hộ; có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng với mức thiệt hại từ 50% đến dưới 70% là 5 triệu đồng/hộ.
Hộ gia đình phải di dời khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác là 12 triệu đồng/hộ. Đối với cá nhân, hỗ trợ lương thực là 15kg gạo/người đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong dịp tết âm lịch; hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 3 tháng cho mỗi đợt trợ giúp đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác; người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc 1,5 triệu đồng/người.
Trẻ em, người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang (đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp) được tập trung đưa về chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú thì được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 26 Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng tối đa không quá 3 tháng.
Đối với người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị chết, gia đình không biết để mai táng được UBND cấp xã, bệnh viện, cơ quan, đơn vị tổ chức mai táng thì các cơ quan, đơn vị đứng ra mai táng được hỗ trợ kinh phí mai táng thấp nhất 3 triệu đồng/người.
Tác giả bài viết: (PYP)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn