Hạnh phúc
Có lẽ mọi ngôn từ trên thế giới này cũng không đủ biểu cảm để diễn tả niềm hạnh phúc của những người mẹ như chị Tâm, chị Trang khi các cháu Vương Duy Khang, 9 tuổi (Từ Liêm - Hà Nội) và Đặng Công Phong, 8 tuổi (Hà Đông - Hà Nội) nghe được âm thanh đầu tiên trong đời. Chiều ngày 25/8/2010, tại Trung tâm Thính học - Bệnh viện Nhi Trung ương, không chỉ có những người mẹ mà tất cả các bác sĩ có mặt trong phòng đo thính giác cùng nín lặng chờ đợi giây phút kỳ diệu này.
Chị Hoàng Thanh Tâm, mẹ cháu Khang cho biết, từ năm lên 1 tuổi, cháu Khang đã được phát hiện thính giác không bình thường. Ban đầu, vợ chồng chị rất sốc và không dám tin vào kết quả kiểm tra thính lực của con. Không biết bao nhiêu đêm vợ chồng chị nhìn con ngủ rồi ngồi lặng lẽ khóc. Sự thật khó chấp nhận này khiến chị trở nên mặc cảm, đi làm rất ít trò chuyện, cũng không muốn ai hỏi đến con, chỉ nghĩ con mình là trường hợp hiếm hoi trên đời, nhìn những đứa trẻ hàng xóm líu lo trò chuyện với cha mẹ chúng mà chị phát thèm. Suốt 8 năm qua, hai vợ chồng đưa con đi khám, điều trị nhiều nơi, thậm chí mong một điều thần kỳ xảy ra để con chị có thể nghe được. Số phận đã đưa chú bé Khang gặp người bạn cùng hoàn cảnh là cháu Đặng Công Phong tại Trường dành cho trẻ khiếm thính ở Nhân Chính - Hà Nội. Hai cậu bé và 2 gia đình, đặc biệt là 2 người mẹ trở thành những người bạn thân thiết, họ chia sẻ với nhau những kinh nghiệm dạy con và cùng tìm thông tin để chữa bệnh cho 2 đứa trẻ. Khi được tin Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ triển khai kỹ thuật cấy điện cực ốc tai cho trẻ khiếm thính, hai người mẹ đã đăng ký chữa trị đầu tiên cho con mình, mặc dù chi phí chẳng hề rẻ chút nào (500 triệu/1 bên tai). Phong và Khang là 2 trong 5 bệnh nhi đầu tiên ở miền Bắc được điều trị thành công bằng phương pháp này.
Giúp trẻ câm điếc thành người bình thường
ThS. Nguyễn Tuyết Xương, Phó Trưởng khoa Tai mũi họng của bệnh viện, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật cấy ốc điện tử vào tai trẻ khiếm thính cho biết, đây là phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay dành cho những người bị khiếm thính mức độ nặng mà tất cả những biện pháp điều trị khác không có kết quả. Sau 5 ca đầu tiên điều trị thành công, trong tháng 9 này, bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị cho 6 bệnh nhi nữa và dần đưa kỹ thuật này thành thường quy. Tuy nhiên hiện nay, chi phí để điều trị còn quá cao so với đời sống của đại đa số người dân, vì thế rất mong sẽ có chính sách bảo hiểm hỗ trợ những trẻ bệnh này được điều trị.
Để thực hiện được kỹ thuật này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã xây dựng phòng đo thính đồ chuẩn, đảm bảo mọi âm thanh bên ngoài không lọt vào được nhằm test chính xác mức độ khiếm thính của bệnh nhân. Đội ngũ thực hiện cấy ốc tai là những bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng lành nghề và được đào tạo bài bản ở nhiều nước có nền y học phát triển. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, làm test IQ, chụp cộng hưởng từ tai. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật đặt thiết bị ốc điện tử bằng đường phẫu thuật ngay sau mang tai. Để cấy được ốc điện tử, kỹ thuật cấy phải thực hiện dưới kính hiển vi vì đường khoan để đặt thiết bị này vào tai chỉ rộng 0,4mm. Ốc điện tử này được sử dụng suốt đời. Sau phẫu thuật được 1 tháng, bệnh nhân sẽ được các chuyên gia bật máy nghe lên. Trẻ sẽ nghe được âm thanh ở mọi tần số khác nhau của người nói mà người bình thường nghe được. Sau khi trẻ nghe được, các chuyên gia sẽ điều chỉnh tần số âm thanh sao cho phù hợp nhất với từng trẻ. Sau khi điều chỉnh, trẻ sẽ nghe được các âm thanh như người bình thường.
Các bác sĩ cho hay, để biến một đứa trẻ câm điếc thành một người bình thường không hề đơn giản. Khi trẻ đã nghe được thì tiếp theo đó là quá trình dạy cho trẻ hiểu được âm thanh đã tiếp nhận, cần phải có chuyên gia luyện nói. Quá trình này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc, cha mẹ và bệnh nhân.
Chậm nói, tự kỷ có nguy cơ điếc rất cao
Theo ThS. Xương, ở nước ta, hằng năm có khoảng 50.000 trẻ sinh ra bị điếc, phần lớn là điếc nặng phải điều trị. Trong số đó có nhiều trẻ dùng máy trợ thính cũng không thể nghe được, đây là những đối tượng điếc rất nặng cần phải cấy ốc tai điện tử. Khi bị điếc thường kéo theo hậu quả là trẻ bị câm, thành một người tàn tật và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Ở thành thị, trẻ điếc được phát hiện sớm (6 tháng) nhưng ở vùng nông thôn thì nhiều trẻ hơn 2 tuổi mới đi khám lần đầu tiên. Thậm chí trẻ đã rất lớn, bị câm điếc, ngây ngô rồi mới đưa đi khám. Có những gia đình còn không biết những dấu hiệu như thế nào là bị điếc, phải đi khám ở đâu? Những trẻ chậm nói, tự kỷ là các đối tượng có nguy cơ cao nhất của bệnh điếc.
Cần làm test thính giác cho trẻ
Các bác sĩ cho hay, nhiều cha mẹ cảm thấy vui mừng khi trẻ sinh ra ăn ngủ khì khì, không hề động đậy với bất kỳ tiếng động nào. Nhưng sự thật đây lại là những dấu hiệu rất đáng ngại của bệnh điếc. Nhằm phát hiện sớm những trường hợp có nguy cơ bị điếc, các chuyên gia khuyến cáo cần cho trẻ làm test thính giác tại các khoa, bệnh viện chuyên về tai mũi họng. Có thể thực hiện test này ngay khi trẻ sinh ra vài ngày. Thời gian test từ 5 - 60 phút tùy vào từng bệnh nhi. Dựa trên những biểu hiện lâm sàng, kết quả test và các kết quả chẩn đoán hình ảnh khác sẽ giúp các bác sĩ có được chỉ định sớm và phù hợp nhất cho từng trường hợp.
Những điều cần biết khi cấy ốc tai điện tử: - Chỉ định cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, sử dụng máy trợ thính không có hiệu quả. - Ốc tai điện tử được sử dụng vĩnh viễn. - Chi phí mỗi ốc tai điện tử là 500 triệu đồng (ở Mỹ là 100.000 USD, ở Trung Quốc là 60.000 - 70.000 USD). - Sau cấy ốc tai, trẻ hoạt động như trẻ bình thường, chỉ tránh những va chạm mạnh vào tai. Những trẻ nào cần phải test thính giác? - Trẻ sinh ra trong gia đình có người bị điếc. - 3 - 4 tháng tuổi mà trẻ không có dấu hiệu giật mình khi có tiếng động mạnh, lạ. - 6 tháng tuổi, trẻ không phân biệt được tiếng của mẹ với tiếng người khác. - 7 - 8 tháng tuổi, trẻ không quay đầu về phía có tiếng gọi, không biết bắt chước những âm thanh đơn giản. - 12 tháng tuổi, trẻ không biết phát âm bập bẹ. - Tất cả những trẻ tự kỷ hoặc nghi ngờ tự kỷ. |
Tác giả bài viết: Lê Hảo
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn