CTXH là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới với mục tiêu là thúc đẩy, phục hồi, duy trì và tăng cường chức năng của cá nhân, gia đình và cộng đồng thông qua hoạt động trợ giúp, xóa bỏ và phòng ngừa đói nghèo và các vấn đề xã hội. Đồng thời, CTXH còn tham gia vào việc xây dựng, hoạch định và thực thi các chính sách xã hội, các chương trình, hệ thống dịch vụ xã hội.
Ở Việt Nam, nghề CTXH mới chỉ được biết tới trong hơn 10 năm nay, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 32 về “Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020”. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề CTXH ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm đào tạo.
Hội thảo đã đánh giá lại hiệu quả của việc đào tạo CTXH tại Việt Nam, những kết quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục thúc đẩy, nhằm giúp xã hội có sự nhìn nhận đúng về nghề CTXH và những người làm CTXH một cách đúng đắn.

Các tình nguyện viên quốc tế chăm sóc các em nhỏ ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên - Ảnh: T.QUỚI
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, nghề CTXH đã được đưa vào danh mục nghề quốc gia và vẫn còn thiếu nhiều cán bộ CTXH chuyên nghiệp, thế nhưng nghề CTXH lại được đánh giá là một trong những nghề khó xin việc nhất hiện nay. Theo thứ trưởng Diệp, nguyên nhân của tình trạng sinh viên ngành CTXH khó xin việc là do nhận thức về nghề CTXH vẫn chưa tương xứng với những gì nghề này có thể đóng góp cho xã hội. Mặt khác, việc đào tạo cán bộ CTXH hiện nay phần nào vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý những vấn đề phát sinh của quá trình đô thị hóa.
Ông John Ang, Chủ tịch Hiệp hội CTXH châu Á - Thái Bình Dương nói: “Những người làm CTXH tại Việt Nam cần phải cho mọi người thấy họ có thể làm được những gì cho xã hội, từ đó chính quyền sẽ có những thay đổi trong cách đánh giá vị trí của họ và nghề này mới có thể phát triển”.
Nhằm góp phần phát triển nghề CTXH theo hướng chuyên nghiệp, từ năm 2010, Quỹ quốc tế Singapore đã giúp tăng cường kỹ năng cho 40 giảng viên dạy về CTXH tại Việt Nam. Những giảng viên này đã áp dụng kiến thức, kỹ năng mới giảng dạy cho hơn 1.000 sinh viên theo học ngành CTXH.
PGS,TS Nguyễn Thị Thuận, quyền Hiệu trưởng Trường đại học Lao động - Xã hội cho biết, các chuyên gia của SIF đã giúp nâng cao chất lượng đào tạo ngành CTXH, một ngành nghề khá mới sẽ được khẳng định và hợp thức hóa hơn nữa ở Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thuận cũng cho biết, Trường đại học Lao động - Xã hội vừa được chấp nhận gia nhập Hiệp hội các trường đào tạo CTXH trên thế giới. Đây sẽ là bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng nghề CTXH đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới.
Để tăng cường vai trò của nghề CTXH, theo các chuyên gia, cần góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của nghề CTXH và những người làm CTXH, đồng thời thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong phương thức đào tạo CTXH. Điều này sẽ là một quá trình lâu dài.