Nỗi đau còn mãi
Nhiều tháng nay, nhắc đến hoàn cảnh của hai mẹ con chị Lê Thị Mỹ Dung (46 tuổi), bà con ở xóm Đá Dựng, thôn Bàn Nham Nam (xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) không ai không xót xa. Nguyễn Văn Trực - con của chị Dung - năm nay 21 tuổi, nhưng từ lúc mới sinh ra đã mang trong mình di chứng của chất độc da cam, khiến toàn bộ cơ thể em bị co rút, hai chân, hai tay co quắp, em cũng không thể nói được thành lời. 21 năm tần tảo làm thuê, làm mướn nuôi con; vào tháng 12 năm ngoái, bệnh tai biến ập đến khiến chị Dung bị liệt nửa người, đi lại rất khó khăn. Mẹ bại liệt, con thì tàn tật đặc biệt nặng, chưa bao giờ, chị Dung bi quan như lúc này, bởi cuộc sống hiện tại của gia đình đang rơi vào bế tắc. Chị Dung nghẹn ngào: “Trước đây còn khỏe, hàng ngày tôi chăm sóc, lo sinh hoạt cá nhân cho đứa con tật nguyền đáng thương. Giờ đây tôi bị bệnh nặng, Trực chỉ biết trông chờ vào bà ngoại. Lỡ mai này bà cũng già yếu thì ai sẽ cưu mang, nuôi dưỡng nó”.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến những cảnh đời nạn nhân da cam rất khó khăn khác ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). Đó là trường hợp bà Lê Thị Tho, năm nay 60 tuổi, có hai con bị nhiễm chất độc da cam; một người đã mất cách đây vài năm, người còn lại làem Huỳnh Long Nhãn, 24 tuổi vẫn nằm bất động một chỗ, chân tay bị co rút và thường xuyên đau đớn cả cơ thể. Thương con, bàTho luôn quan tâm, chăm sóc tận tình chu đáo, nhưng điều bàsợ nhất là sức khỏe mình cũng đã yếu, mai sau nếu không còn thì ai sẽ chăm sóc cho đứa con bất hạnh này. “Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng gia đình tôi luôn động viên nhau cố gắng nuôi con được ngày nào hay ngày đó. Thương con lắm nhưng đã rơi vào tình cảnh này thì cũng phải cố vượt qua chứ biết cậy nhờ ai được bây giờ”, bà Tho nói.
Cùng hoàn cảnh như bà Tho, từ ngày chồng mất hơn 10 năm nay, bà Vũ Thị Bình, 70 tuổi, ở xã Hòa Đồng, một mình gắng sức chăm lo cho người con trai bị bại liệt vì nhiễm CĐDC. Mỗi ngày qua đi, chứng kiến nỗi đau của con mình, bà Bình luôn mơ ước có một phép màu kỳ diệu để giúp con bà đứng vững trên đôi chân, được là một thanh niên bình thường, nhưng điều đó thật khó với những gì con bà đang mang. Điều bà Bình lo lắng nhất lúc này, đó là ai sẽ chăm sóc con khi bà không còn đủ sức khỏe.
Những trường hợp nói trên chỉ là số ít trong số hàng ngàn trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh, trong đó có trẻ em bị di chứng CĐDC đang phải đối mặt từng ngày với cuộc sống vô cùng khó khăn. Những con người ấy, những số phận ấy rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng xã hội.
Giúp nạn nhân da cam vượt qua nghịch cảnh
Nhằm kết nối các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng cộng đồng sẻ chia, giúp đỡ cho cảnh đời thương tâm của những nạn nhân da cam trên địa bàn, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên đã phối hợp với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tổ chức chương trình “Chung một tấm lòng - Xoa dịu nỗi đau da cam”, giúp đỡ nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó trao hơn 100 triệu đồng cho 5 gia đình có con bị nhiễm CĐDC nặng và 45 suất quà trị giá 50 triệu đồng cho các gia đình, người bị nhiễm CĐDC khác, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Bà Vũ Thì Bần ở thôn Phú Diễn Ngoài, xã Hòa Đồng, năm nay đã 70 tuổi nhưng hàng ngày phải chăm con Lương Hồng Hiệu là nạn nhân CĐDC. Từ quê, bà đưa con lặn lội xuống TP Tuy Hòa nhận phần quà từ các nhà hảo tâm. Bà Bần tâm sự: “Ba nó trước đây đi lính ở Buôn Ma Thuột, sau về quê làm nông. Ba đứa con đầu không sao cả, nhưng đứt út thì…”. Bà bỏ dở câu nói. Nhìn hình ảnh bà bồng bế đứa con đã gần 30 tuổi, chân tay co quắp đến tham dự chương trình…, ai cũng đau thắt ruột gan.
Tham dự chương trình và sẻ chia với những mảnh đời bị nhiễm CĐDC trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng gửi lời hỏi thăm ân cần đến các gia đình có người thân bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng chí nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước, cùng các tổ chức xã hội luôn luôn chăm lo chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu của họ. Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” là một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được nhân dân, các tổ chức, các tấm lòng thiện nguyện trong và ngoài tỉnh hưởng ứng, giúp đỡ nạn nhân da cam từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng”..
Theo số liệu của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 11.380 người bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó, người dân, con cháu người dân và con cháu người tham gia kháng chiến 7.653 người... Những nạn nhân da cam, họ là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, là những người bất hạnh nhất trong số những người bất hạnh. |
Tác giả bài viết: KIM CHI
Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn